www.gomsuhoanmy.com Gốm sứ bát tràng, ấm chén bát tràng cao cấp
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
hoang310
hoang310
Tổng số bài gửi : 16
Join date : 13/04/2011
Age : 36
Đến từ : Ha nOi

Thăm Bát Tràng nghĩ đến Gốm Hương Canh Empty Thăm Bát Tràng nghĩ đến Gốm Hương Canh

Thu Apr 14, 2011 8:04 pm
Thăm Bát Tràng nghĩ đến Gốm Hương Canh

“Cả làng không còn người làm ruộng. Toàn xã có hơn 1 nghìn hộ làm gốm, sản lượng những năm gần đây ước đạt gần 300 tỷ bình quân mỗi năm”. Đó là lời giới thiệu của đồng chí Đào Xuân Hùng - Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) với chúng tôi, những phóng viên của báo Đảng các tỉnh phía bắc đi thực tế trong đợt tập huấn do TW Hội nhà báo tổ chức. Nhìn những thành tựu mà làng nghề Gốm Bát Tràng đạt được trong những năm qua tôi không khỏi trạnh lòng khi nhớ đến thương hiệu của một làng nghề quê mình: Gốm Hương Canh

Thăm Bát Tràng nghĩ đến Gốm Hương Canh 1297882109Ganh-than-bat-trang

Xưởng sản xuất gốm của gia đình nghệ nhân Nguyễn Xuân Thanh có rất nhiều mặt hàng phong phú. Ảnh Khổng Quý
Trăm nghe không bằng mắt thấy:

“Cả Bát Tràng ai cũng biết làm gốm”. Đó là lời khẳng định của chị Dung, chủ một cơ sở sản xuất gốm tại Bát Tràng. Dạo qua những cửa hiệu sản xuất, chợ gốm và nhất là xem “bản đồ qui hoạch” của Bát Tràng mới thấy, những lời giới thiệu ấy không sai là mấy so với thực tế nơi đây. Được hình thành từ rất lâu, những năm trước đây dân cư của Bát Tràng cũng mưu sinh với đủ thứ nghề: Thợ xẻ, thợ ngõa, buôn bán, nông nghiệp, và làm gốm. Theo dòng thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, những sản phẩm từ gốm Bát Tràng được thị trường ưa thích và dần trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước. Nghề Gốm trở thành nghề chính của làng từ ấy. Bất kể nhà nào cũng có người biết và làm gốm, từ già trẻ, gái, trai, thanh niên, thiếu niên và học sinh trong làng ai cũng biết nghề. Đến năm 2002, HTX nông nghiệp của làng được giải thể mang tên gọi mới - HTX dịch vụ với mục đích duy nhất: phục vụ sản xuất, quảng bá, kinh doanh các sản phẩm Gốm của địa phương. Không còn sản xuất nông nghiệp nhưng những “nông dân” Bát Tràng vẫn sống “khỏe” bởi sẵn nghề gốm trong tay.

Để xây dựng chiến lược phát triển lâu dài của nghề truyền thống, địa phương đã quy hoạch làng nghề và không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cấp công nghệ trong khâu sản xuất, chế biến cho phù hợp với nhu cầu của xã hội. Đến Bát Tràng hôm nay, tiếng là làng nghề gốm nhưng không còn nhiều khói bụi. Đại bộ phận những xưởng gốm trong làng đã được sản xuất bằng công nghệ hiện đại. Các lò thủ công đã nhường chỗ cho những lò công nghệ cao với nhiên liệu khí đốt hoặc dầu nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường - một trong những vấn đề còn tồn tại của hầu hết các làng nghề truyền thống. Cùng với sự đầu tư nâng cấp về kỹ thuật sản xuất, Bát Tràng cũng không ngừng quảng bá thương hiệu nhằm thu hút sự đầu tư, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh những phương thức truyền thống nhằm quảng bá hình ảnh trên các băng rôn, biển quảng cáo, trang Web của làng nghề đã được xây dựng nhằm giúp người quan tâm có cái nhìn đầy đủ, chi tiết sâu rộng hơn đối với sản phẩm và con người Bát Tràng. Các lớp học vẽ, học nặn, học làm gốm cũng được mở tạo điều kiện để khách tham quan, du lịch có thể tham gia vào quá trình sản xuất những vật dụng thủ công, đơn giản. Đặc biệt là con em trong làng có điều kiện tiếp xúc, hiểu và biết nghề truyền thống.

Biết, nghe tiếng gốm Bát Tràng đã lâu, có dịp đến thăm, được mắt thấy, tai nghe những người Bát Tràng kể chuyện, sản xuất gốm và quảng bá về sản phẩm của mình mới hiểu, thấy hết vì sao gốm Bát Tràng lại nổi tiếng và phát triển như vậy. Không phải gốm Bát Tràng tự nhiên đạt được thành tựu ấy. Cũng có những giai đoạn người Bát Tràng lao đao vì gốm; nhưng với một chiến lược phát triển đúng đắn, lâu bền, sự quan tâm của chính quyền các cấp, đặc biệt là tình yêu, niềm say mê của các nghệ nhân, thợ gốm trong làng với quyết tâm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống gốm Bát Tràng đã vượt qua sóng gió để vươn tới thành công như hiện nay. Đó phải chăng cũng là bài học, tấm gương cho các làng nghề nói chung.

Trông người lại nghĩ đến ta:

Từ nhiều đời nay, các sản phẩm Gốm Hương Canh (Bình Xuyên) đã nức tiếng trong Nam, ngoài Bắc. Dân gian thường truyền tụng nhau rằng: "xứ Móng Cái, vại Hương Canh". Xuất hiện tại Hương Canh từ đời vua Thục An Dương Vương: “Đào Nồi con ông Đào Hoằng, vốn gốc người Tuyên Quang, ông tổ 4 đời đã chuyển cư về làng Hương Canh (Vĩnh Phúc) lập nghiệp bằng nghề nặn nồi, niêu. Nối nghiệp nhà Đào Nồi nổi tiếng khắp vùng là người thợ tài hoa, lỗi lạc. Ông lấy vợ họ Dương, người làng Chiêm Trạch (nay thuộc Đông Anh - Hà Nội) cũng là thợ làm nồi khá giỏi giang. Vợ chồng sinh được 2 con đặt tên là Đống và Vực. Đào Nồi không những giỏi nghề mà còn tinh thông võ nghệ, được An Dương Vương cho làm quan, ban tước Hầu nên tục gọi là Nồi Hầu. Triệu Đà diệt Vua Thục, đem quân vây làng Chiêm Trạch bắt Nồi Hầu. Gia đình ông chạy về quê cũ Hương Canh. Giặc vây làng Canh, ông lại đưa vợ con chạy về Chiêm Trạch. Cổng làng chưa kịp mở, giặc đuổi tới nơi. Vợ chồng ông rút dao tự sát, hai người con trai cũng chết theo. Dân làng thương tiếc, kính phục, chôn cất gia đình ông ở một khu gò, gọi là mộ Thánh hóa. Đồng thời lập đền thờ để nhớ ơn người vừa là tổ nghề vừa có khí tiết, không đội trời chung với kẻ thù xâm lược”. (Trích “Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề” do giáo sư Trần Quốc Vượng và PTS Đỗ Thị Hảo biên soạn - Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc 1996, mục nghề gốm, trang 92,93,94). Cũng có nghiên cứu cho rằng nghề gốm Hương Canh đã có gần ba trăm năm nay. Những di tích khai quật được cho thấy đồ gốm đã có cách đây cả nghìn năm. Bất đồng về thời gian xuất hiện nhưng dường như tất cả những nghiên cứu từ dân gian đến khoa học đều có chung nhận định: Gốm Hương Canh xuất hiện cách đây mấy trăm năm, sản phẩm ban đầu chủ yếu là những chum, vại, đựng thóc, ngô, đỗ… rồi sau đó làm chum, vại đựng nước, nồi đất, ấm đất, tiểu sành…Những sản phẩm này có màu xanh xám, nâu xám, màu hanh vàng hoặc “da lươn”. Điều đặc biệt là các sản phẩm được ra lò tuy không mang nét mềm mại, mượt mà như gốm Bát Tràng, Giang Tây nhưng có cá tính. Chính sự gân guốc, hoang sơ nhưng cổ kính ấy tạo nên nét riêng biệt vô cùng cuốn hút trong mỗi sản phẩm của người Hương Canh. Chỉ cách đây 2-3 chục năm, cả làng Hương Canh như một đại công trường. HTX gốm Hương Canh (ra đời năm 1958) nổi tiếng toàn miền Bắc khiến người Hương Canh sống được bằng nghề và nổi tiếng không kém nhờ nghề. Xã hội không ngừng phát triển, phần lớn đất Hương Canh đã và đang được quy hoạch, thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp. Thị trấn chỉ còn lại ít đất lúa được chính quyền giữ lại đảm bảo lương thực tại chỗ cho người dân. Nguyên liệu không còn, nghề gốm dần mai một. Đến Hương Canh bây giờ, rất khó để nhận ra không khí tấp nập của làng nghề truyền thống khi xưa. Cả làng hiện nay chỉ còn dăm, ba hộ tâm huyết, yêu nghề, vẫn duy trì làm gốm. Dù vẫn còn đó những tay nghề lão luyện, những tấm lòng vì gốm không ngừng trăn trở ngày đêm như nghệ nhân Nguyễn Thanh (chủ xưởng sản xuất gốm Thanh Nhạn) nhưng chưa tìm được hướng phát triển bền vững hay đúng hơn đó là sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội nghề gốm Hương Canh vẫn “loay hoay” tìm “bột” nhằm gột nên “hồ”.

Cho đến giờ nghệ nhân Nguyễn Thanh (một trong những người ít ỏi ở làng gốm Hương Canh còn liên quan đến gốm) vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ về những ngày làng Hương Canh ngày đêm sôi động, tấp nập. Song, dường như tất cả chỉ còn trong miền ký ức. Không chỉ riêng ông, nói chuyện với bất cứ người dân nào, chúng tôi cũng thấy sự tiếc nuối hiển hiện trên từng gương mặt. Ai cũng tiếc nuối về một thời huy hoàng rực rỡ vẫn vang vọng đâu đó trong câu hát: “ Ai về mua vại Hương Canh/ Ai lên mình gửi cho anh với nàng”. Dẫu biết rằng: Bao giờ cho đến ngày xưa.

Thiệu Vũ
Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết