www.gomsuhoanmy.com Gốm sứ bát tràng, ấm chén bát tràng cao cấp
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
Admin
Admin
Admin
Tổng số bài gửi : 376
Join date : 11/04/2011
http://gomsuhoanmy.com

“Ðến Bát Tràng mua hàng Phù Lãng, về Hà Ðông vớ phải lụa… Tàu” ?! Empty “Ðến Bát Tràng mua hàng Phù Lãng, về Hà Ðông vớ phải lụa… Tàu” ?!

Sat Apr 30, 2011 9:29 am
“Ðến Bát Tràng mua hàng Phù Lãng, về Hà Ðông vớ phải lụa… Tàu” ?!

Chợ gốm Bát Tràng những ngày đầu xuân khá sầm uất. Ngay lối ra vào là một quầy hàng lớn bán đồ gốm men da lươn. Vào sâu trong chợ, càng thấy loại men này được bày bán phổ biến. Hỏi một chủ quầy, tôi nhận được câu trả lời: “Của Bát Tràng đấy, người ta làm gốm da lươn bán được, tội gì mình không làm”.
Bát Tràng và Phù Lãng là hai dòng gốm có từ lâu đời. Ðặc trưng của Bát Tràng là làm xương gốm bằng đất sét trắng (xưa Bát Tràng có tên Bạch Thổ Phường, tức “phường Ðất Trắng” vì có mỏ đất sét trắng, nay đất sét trắng phải mua từ nơi khác), xương gốm đó được tráng men, với những màu men cơ bản như: men ngọc, men nâu, hoa lam… Trong khi đó, xương gốm Phù Lãng là đất sét có màu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao, xương gốm chuyển màu gan gà, với hai màu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen (thường gọi là men da lươn). Nếu vẻ đẹp của Bát Tràng là sự đa dạng về nước men, những nét vẽ tinh tế, thì hồn cốt của Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc của nước men da lươn.
Hơn chục năm trước, Phù Lãng suýt nữa mất nghề nếu không kịp thời chuyển từ sản xuất đồ gia dụng như chum, vại, ang, tiểu sành… sang đồ gốm mỹ nghệ. Nước men da lươn mộc mạc được người Phù Lãng kết hợp với những đường nét, những tạo hình mang đậm chất nông thôn Việt đã tạo nên sức hút kỳ lạ của gốm Phù Lãng. Theo những chủ cửa hàng ở chợ gốm Bát Tràng, khi thấy gốm mỹ nghệ Phù Lãng ăn khách, người ta nhập về bán kiếm lời. Thế rồi sẵn nghề trong tay, người ta làm phỏng theo phong cách Phù Lãng. Tôi liên lạc với Trần Mạnh Thiều – chủ nhân thương hiệu “Gốm Thiều” của Phù Lãng. Mạnh Thiều phàn nàn: “Ðiều ấy xảy ra vài năm rồi, những mẫu đẹp của Phù Lãng vừa ra lò thì chỉ vài hôm sau Bát Tràng đã sản xuất mẫu như thế. Bát Tràng giao thông thủy bộ thuận tiện, gần trung tâm, mạnh về vốn, đấy là khó khăn lớn cho gốm Phù Lãng “.
Ngoài những sản phẩm “nhái” Phù Lãng, thì những sản phẩm “nhái” Trung Quốc, thậm chí cả những sản phẩm phỏng theo gốm Chăm cũng xuất hiện khá nhiều. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Ðạt, một nghệ nhân làng gốm Bát Tràng, không khỏi băn khoăn: “Ðây là điều đáng buồn với những nghệ nhân Bát Tràng. Những người làm nghề thật sự như chúng tôi luôn sáng tạo trên nền truyền thống của làng mình là chủ đạo. Tuy nhiên, cũng có những người vì lợi nhuận…”.
Nếu như Bát Tràng là làng nghề đặc trưng của Thủ đô thì đất Hà Tây cũ vốn được mệnh danh là “quê lụa”. Quê lụa ở đây là lụa Hà Ðông. Lụa Hà Ðông nổi tiếng là thế, nhưng ngay khi đến tận đất lụa Hà Ðông, thì người ta lại mua phải lụa không rõ nguồn gốc. Trong đó, có một số loại vải na ná như lụa Hà Ðông, mà nhiều người cho rằng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Càng buồn hơn cho du khách khi đi bao nhiêu cây số gió bụi đến tận gốc gác của nghề lụa nức tiếng gần xa vẫn mua phải lụa rởm, mà giá thì cao không khác gì lụa xịn. Vạn Phúc nằm trong tua của nhiều hãng du lịch lữ hành, nên các du khách đến từ nhiều vùng, miền đất nước cũng như khách quốc tế cùng chịu chung cảnh “mua nhầm”. Những sản phẩm này thường có chất lượng kém hơn so với lụa Vạn Phúc và giá cả ở trên thị trường cũng rẻ hơn rất nhiều.
Tìm đến nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, ông Chỉnh thẳng thắn thừa nhận: “Ðúng là có hiện tượng trộn hàng không rõ nguồn gốc để bán lẫn với hàng lụa Vạn Phúc. Hiệp hội làng nghề không cấm bán hàng từ nơi khác, nhưng phải ghi rõ xuất xứ. Nhưng vẫn có một số người kém ý thức, “lập lờ đánh lận con đen”.
Nguy cơ đánh mất bản sắc
Hai làng nghề được coi là nức tiếng nhất của Thủ đô bây giờ, mỗi làng một vẻ, nhưng đều ít nhiều có dấu hiệu của một đoàn tàu đang có nguy cơ chệch hướng. Cả Bát Tràng lẫn Vạn Phúc đều là những làng nghề làm ra những sản phẩm có tính mỹ thuật, đòi hỏi sự sáng tạo cao. Nhưng thay vì tìm tòi để sáng tạo ra những mẫu mới với chất lượng cao trên nền truyền thống của làng nghề, không ít người tìm đến một con đường ngắn hơn. Những gì đang diễn ra cho thấy sự sáng tạo không được đặt ở vị trí xứng đáng.

Các sản phẩm gốm da lươn được bày bán tràn lan ở làng gốm
Bát Tràng.
Không chỉ làm phỏng theo những dòng gốm khác, mà những sáng tạo của các nghệ nhân chân chính ở Bát Tràng cũng bị nhiều người đánh cắp không thương tiếc. Một nghệ nhân giấu tên ở Bát Tràng cho biết, khi anh vừa nghiên cứu chế ra được một loại men mới, thì ngay lập tức nhiều hộ gia đình tìm cách bắt chước. Và sáng chế về loại men đó của anh, dù mất rất nhiều công sức và thời gian nghiên cứu, chỉ có giá trị trong vài lần đốt lò, vì sau đó, hàng loạt sản phẩm tương tự như thế được bắt chước và làm với giá rẻ hơn. Ở Vạn Phúc, ngoài thương hiệu thuộc sở hữu chung của cả làng, không có một thương hiệu nào bật lên với những sáng tạo riêng, cũng chỉ vì lý do một thời gian sau khi mẫu lụa ra đời, cả làng cùng dệt, và người sáng tạo cũng chỉ còn cách chấp nhận… hòa cả làng!
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về việc làm thế nào để loại trừ những hiện tượng “phá” thương hiệu ra khỏi làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh cho biết: “Hiệp hội không có thẩm quyền đi phạt những người vi phạm. Nhưng hiện giờ chúng tôi đã có dự án xây dựng khu trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm Vạn Phúc. Dự kiến trung tâm rộng chừng 1.000 m2, được xây ba tầng. Ngoài ra, có khu nhà cổ giới thiệu quy trình làm lụa. Chúng tôi sẽ gây dựng để trung tâm là địa chỉ tin cậy của khách hàng. Những người làm ăn theo kiểu “chụp giật” sẽ không được tham gia trung tâm. Không tham gia trung tâm, đồng nghĩa với việc không được Hiệp hội làng nghề bảo đảm về chất lượng. Từ đó, sẽ loại trừ những tiêu cực khỏi làng nghề”. Cách làm của Vạn Phúc, có lẽ là một gợi ý hay cho nhiều làng nghề của Hà Nội nói chung, trong cuộc “đấu tranh” để giữ gìn bản sắc trong cơ chế thị trường.
Sau khi hợp nhất Hà Tây với Hà Nội, Thủ đô hiện có hàng trăm làng nghề khác nhau. Tiếng tăm của những làng nghề kể trên có được, chính là bản sắc được dày công tích tụ qua nhiều đời. Nhưng cơ chế thị trường khiến bản sắc của không ít làng nghề phai nhạt mà hai làng nghề nổi tiếng nói trên là những thí dụ tiêu biểu. Hy vọng rằng, người ta sẽ sớm nhận ra, cái lợi trước mắt có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lâu dài, nếu những làng nghề đậm bản sắc văn hóa đánh mất những nét độc đáo riêng có của mình…
nguồn ” Nhân Dân”
Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết