www.gomsuhoanmy.com Gốm sứ bát tràng, ấm chén bát tràng cao cấp
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
Admin
Admin
Admin
Tổng số bài gửi : 376
Join date : 11/04/2011
http://gomsuhoanmy.com

Bất ngờ gốm cổ Gò Sành Quảng Ngãi Empty Bất ngờ gốm cổ Gò Sành Quảng Ngãi

Sat Apr 30, 2011 9:44 am
Bất ngờ gốm cổ Gò Sành Quảng Ngãi

TTCT – Ngày 20-9-2010, khi đào đất xây hầm biogas tại vườn nhà, ông Đặng Ngọc Anh (ở khu Gò Sành, thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã phát hiện một hầm gốm phế phẩm của một lò gốm cổ.




Ông Đặng Ngọc Anh lau chùi những hiện vật gốm được ông phát hiện – Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Nồi cực nhỏ và cối – chày giã muối nói lên sự tinh xảo của người thợ gốm xưa
Như một sự trùng hợp khá lý thú, năm 1974, bom Mỹ rải xuống khu đất cũng có tên Gò Sành ở thôn Phụ Quang, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định cũng tình cờ làm phát lộ một lò gốm cổ với khá nhiều hiện vật gốm có giá trị. Nhưng gốm Gò Sành Bình Định là một dòng gốm Chăm cổ có niên đại từ khoảng cuối thế kỷ 13 đến thế kỷ 15-16, còn gốm Gò Sành Quảng Ngãi được xem là sản phẩm hỗn dung của hai cư dân Việt – Chăm ở khoảng thế kỷ 15-16, là chứng liệu cho những kiến giải lịch sử hấp dẫn.

Đã hơn một tuần kể từ ngày tìm thấy những hiện vật gốm cổ xưa, ông Đặng Ngọc Anh vẫn còn lộ vẻ xúc động. Dù rất bận bịu với công việc, ông Anh cùng vợ – bà Tạ Thị Tường Vi – vẫn tranh thủ giờ nghỉ để chùi rửa, kỳ cọ hàng trăm mảnh vỡ từ những hiện vật gốm được ông lấy lên từ hầm đào.

“Vợ chồng tui biết đây là những thứ cần cho các nhà nghiên cứu nên khi vừa đào gặp chúng là tui liền báo với xã. Nói thiệt, lấy chúng lên tốn công lắm. Vậy nhưng cả nhà tui ai cũng vui khi huyện, tỉnh đến, khen đây là những của quý cần đưa vào bảo tàng để mấy nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về lịch sử miền đất này…” – ông Anh nói.

Một dòng gốm đặc thù

“Khu đất này được gọi tên là Gò Sành từ lâu đời bởi ở đây có rất nhiều mảnh sành. Mà sành là loại gốm được nung ở nhiệt độ rất cao nên đồ sành chắc, cứng, màu sẫm đen hơn đồ gốm rất nhiều…” – ông Võ Thân, 68 tuổi, ở kề nhà ông Anh trên khu đất Gò Sành, giải thích. Ông Thân cũng cất giữ một số mảnh sành cùng vài chiếc lọ bể mà ông thu được ở độ sâu 1,5m khi đào giếng hồi năm 1986.

Từ lời người xưa lưu lại, cư dân Phú Bình cho rằng những mảnh sành này là từ những sản phẩm gốm được lớp cư dân đến trước – người Chăm – làm nên.

Gò Sành rộng hơn 1ha, nằm sát bên là Gò Gốm, cả hai đều là khu dân cư, cách Châu Sa – khu thành cổ Champa đã được xếp di tích quốc gia – chừng 500m về hướng đông nam. Từng chứng kiến cuộc khai quật khảo cổ học ở Gò Gốm hồi năm 2008, với chỉ một vỏ lò gốm được phát hiện nhưng không có hiện vật gốm nào cả, ông Anh và những người xung quanh càng muốn biết về lai lịch gốm Gò Sành.

Với cách đào thận trọng, trong hai ngày rưỡi, ông Anh cùng những người giúp việc đã đưa lên hơn 20 hiện vật còn khá nguyên vẹn cùng hàng trăm mảnh vỡ lớn nhỏ từ các hiện vật gốm.

Niêu nhỏ, bình vôi, cối giã muối – chày, nhiều nhất là các loại lọ, hũ với nhiều kích cỡ. Những chiếc niêu nhỏ miệng chỉ rộng chừng 8cm, cao khoảng 6cm, dày chỉ 2mm vẫn rắn chắc, gõ nghe keng vang như kim loại. Những chiếc lọ, hũ có xương gốm dày đến 4cm được nung chín đều khắp, những sắc màu đa dạng của các hiện vật đã nói lên tay nghề tinh xảo của người thợ gốm Gò Sành xưa.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, nhận xét: “Đến nay có thể nói chưa có cuộc khai quật khảo cổ học nào được thực hiện ở Nam Trung bộ – từ Đà Nẵng đến Bình Thuận – thu được những loại hiện vật gốm như ở hố đào dân dụng của ông Đặng Ngọc Anh. Đây đúng là một dòng gốm mới được phát hiện lần đầu”.




Hố đào xây hầm biogas của nhà ông Anh – nơi phát hiện những hiện vật gốm cổ quý giá – Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Thông điệp từ quá khứ

Tiến sĩ Khôi cho rằng bước đầu có thể nói những hiện vật gốm này có niên đại muộn nhất là ở thế kỷ 16 và là những phế phẩm – những sản phẩm gốm không đạt chuẩn – của một lò gốm cổ, và điều chắc chắn là lò gốm cổ chưa được phát hiện nằm không xa hố phế phẩm này.

* Với niên đại vừa nêu, theo ông, ai là chủ nhân tạo tác những sản phẩm gốm này?

- Từ các loại hình sản phẩm gốm thu được có thể nhận ra kỹ thuật chế tác cũng như công dụng của chúng. Ở đây phần nhiều sản phẩm gốm được làm bằng tay như các loại bình vôi, nồi nhỏ có nắp đậy, các lọ (vò) nhỏ; còn các sản phẩm như hũ lớn – mà phần lớn bị vỡ – được làm bằng bàn xoay.

Các loại vò nhỏ, thân cao (đều được làm bằng tay) thường được dùng ở các nghi lễ, các khu mộ (như đựng tro cốt). Các loại bình, hũ nhỏ, nồi nhỏ có trang trí hoa văn hình ngọn lửa, hình đầu gà, tất thảy đều mang đậm yếu tố bản địa Chăm. Những sản phẩm gốm khác như nồi lớn, hũ lớn đáy bằng được làm bằng bàn xoay cho thấy yếu tố du nhập kỹ thuật gốm Việt.

Đây là một phát hiện mới, sinh động, cho thấy có yếu tố tiếp xúc giữa hai cộng đồng cư dân Việt – Chăm, một sự hòa hợp của hai cộng đồng cư dân, phản ánh giai đoạn cư dân Đại Việt mở rộng vào phương Nam từ nửa sau thế kỷ 15, mà ở vùng đất này là việc thiết lập nên Tam ty ở thành Châu Sa. Bởi vậy, thật lý thú có thể nói những sản phẩm gốm này do cư dân Chăm hay cư dân Việt làm đều được.

* Ông có thể nói đâu là điểm nhấn từ các hiện vật gốm được phát hiện tình cờ này?

- Gốm là vật dụng thiết thân trong đời sống con người, là tư liệu thông tin về một giai đoạn lịch sử, qua tư liệu gốm ta nhận thức được những vấn đề về đời sống, văn hóa, lịch sử của các cộng đồng cư dân địa phương, phác dựng được bức tranh lịch sử trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Điểm nhấn từ phát hiện này là giúp giải mã về sự tiếp biến, dung hợp giữa hai cộng đồng cư dân cùng sống, cùng tồn tại trên một dải đất phản ánh đúng như trong lịch sử hai cộng đồng dân tộc Việt – Chăm.

Lịch sử không phải là không gian phẳng mà là không gian cắt lớp, ở đó có những lớp văn hóa kế tục, đan xen, tiếp biến và phát triển. Những sản phẩm gốm cổ mang hai dấu ấn Chăm – Việt vừa mới được phát hiện này đã khẳng định sự cộng cư, cộng sinh cùng phát triển trong một giai đoạn lịch sử của hai cộng đồng Việt – Chăm trong hành trình mở đất phương Nam của cư dân Việt hồi thế kỷ 15-16.

Có thể đó là những sản phẩm gốm do cư dân Chăm làm ra để trao đổi với cư dân Việt trong vùng hay ngược lại. Chính những hiện vật gốm được tìm thấy lần này là minh chứng sống động cho vấn đề.

* Với phát hiện tình cờ chứa nhiều thông tin như thế, đâu là việc phải làm sắp tới của ngành chức năng, mà chủ yếu là các cuộc khai quật khảo cổ học trong khu vực, thưa ông?

- Đúng là không thể chậm thêm nữa. Sắp tới, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi sẽ lên kế hoạch tổ chức các cuộc khai quật trong khu vực Gò Sành để làm sáng tỏ thêm về lò gốm cổ được cho là có thể nằm ở khu vực này.






Với màu da trông như mảng tường được ốp đá rửa loại mịn, đây là chiếc bình đẹp nhất được ông Anh thu được từ hố đào – Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
“Những hiện vật gốm cổ vừa được gia đình ông Đặng Ngọc Anh tìm thấy có nhiều ý nghĩa, chứng minh rằng văn hóa không có sự đứt quãng, mà là sự tiếp thu, phát triển liền lạc, các yếu tố bản địa và du nhập luôn hòa hợp cùng nhau”.

Tiến sĩ ĐOÀN NGỌC KHÔI
Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết