www.gomsuhoanmy.com Gốm sứ bát tràng, ấm chén bát tràng cao cấp
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
Admin
Admin
Admin
Tổng số bài gửi : 376
Join date : 11/04/2011
http://gomsuhoanmy.com

Chàng thanh niên làm độc bình lớn nhất Việt Nam Empty Chàng thanh niên làm độc bình lớn nhất Việt Nam

Wed Apr 13, 2011 10:49 am
Chàng thanh niên làm độc bình lớn nhất Việt Nam
Trong số 10 gương mặt được Hội LHTN thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu "Tài năng trẻ làng nghề" có một người rất đặc biệt. Anh hiện là nghệ nhân trẻ nhất làng gốm Bát Tràng và cũng là người đang giữ kỷ lục làm ra 2 chiếc độc bình cao nhất Việt Nam.

“Đốt” 300 triệu đồng với 1% hy vọng

Nhà của Lê Minh Ngọc nằm sâu trong làng cổ Bát Tràng. Con đường dẫn vào ngoằn ngoèo như một mê cung. Dù đã nghe tiếng từ trước, nhưng tôi vẫn choáng ngợp và ngỡ ngàng đến sửng sốt khi lạc vào "vương quốc" lộc bình của Lê Minh Ngọc. Tôi chưa từng thấy ở đâu có nhiều loại độc bình khổng lồ đủ các kích cỡ đến thế. Cái thấp nhất là 1,5m, cái vừa vừa cỡ 2,5m, còn cái cao nhất đứng ngất ngưởng gần chạm trần nhà. Độc bình hoa văn rồng bay phượng múa cũng có, mà loại phong cảnh Việt Nam cũng nhiều.

Ngọc sinh ra trong gia đình có truyền thống lâu đời ở làng Bát Tràng, những tưởng như bao bạn trẻ khác, Ngọc sẽ kế nghiệp cha ông sản xuất ra các mặt hàng truyền thống như bát, đĩa, ấm chén... Bước ngoặt cuộc đời đã thay đổi khi Ngọc đọc một bài báo viết về chiếc độc bình lớn nhất Trung Quốc, cao 3,6m. Lúc đó, Ngọc đã nảy ra ý nghĩ: "Người Việt Nam cũng có thể làm được như vậy. Tại sao mình không thử ?". Từ chiếc lọ hoa cao 45 cm, mỗi năm Ngọc đặt mục tiêu nâng dần độ cao 1m; 1,2m; 1,8m; 2m... 2,5m. Ngọc ngày càng mê mệt với cuộc phiêu lưu chinh phục chiều cao của những chiếc bình. Anh trở thành nghệ nhân duy nhất của Bát Tràng nắm giữ bí quyết sản xuất loại độc bình ngoại cỡ từ 2m trở lên.

Từ năm 2003, nghệ nhân trẻ Lê Minh Ngọc liên tục nhận được bằng khen của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội; giải vàng Ngôi sao Việt Nam 2003; giải bạc Ngày hội trang phục các dân tộc và nghề truyền thống các dân tộc Việt Nam 2003; Tài năng trẻ làng nghề năm 2004. Với những thành tích đóng góp cho làng nghề, sắp tới Lê Minh Ngọc được vinh dự là đại biểu chính thức của ĐH Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ IV.
Cho đến năm 1996, Ngọc quyết định đột phá, làm 2 chiếc độc bình cao 5,6m. Nếu thành công, nó sẽ cao bằng cây đa đầu làng. Tuyên bố của Ngọc đã gây "chấn động" làng cổ Bát Tràng. Người trong nhà ra sức ngăn cản, còn người dân trong làng, nhất là các bậc tiền bối lại cho Ngọc là "ngựa non háu đá". Nhớ lại "sự kiện" đó, Ngọc thú nhận: "Thực tình mà nói, lúc ấy mình đã nhìn thấy 99% thất bại, chỉ có 1% hy vọng. Nhưng mình vẫn đặt hết niềm tin vào 1% nhỏ nhoi ấy". 300 triệu đồng dành dụm trong 3 năm trời, Ngọc đổ vào xây lò, làm khuôn cốt, mua 6 tấn cao lanh, 7 tấn than... 11 tháng trời, Ngọc lao động cật lực, làm đến quên ăn, quên ngủ, dồn hết tâm sức cho "tuyệt tác". Vậy mà...

Ngày mở lò, dân trong làng nô nức kéo đến. Nhìn chiếc độc bình méo mó, vẹo vọ, Ngọc sụp đổ hoàn toàn. Hy vọng tắt ngấm. 24 tuổi, Ngọc còn quá trẻ để đón nhận thất bại quá lớn như vậy. "Những ngày ấy, nhà như có đám tang. Bố mẹ quở đứa con cứng đầu, cứng cổ, "nói có nghe bao giờ đâu !". Còn cô vợ mới cưới xót ruột thì khóc rấm rứt suốt ngày" - Ngọc kể. Ai cũng tiếc rẻ, số tiền Ngọc đầu tư vào 2 chiếc bình bị hỏng ấy có thể mua được 3 căn nhà mặt tiền ở Bát Tràng...

Chiếc độc bình giá 20.000 USD

Chỉ tay vào 2 chiếc độc bình lớn nhất, anh khoe: "2 chiếc độc bình này được sản xuất năm 2002, cao 3,2m, đường kính 0,94m và nặng 170 kg. Tháng 9 vừa qua nó có tên trong cuốn sách Những kỷ lục Việt Nam đấy!". Chiếc độc bình này lớn đến nỗi phải xây lò nung riêng, khi nung xong phải đục tường mới chuyển được vào nhà và phải cần đến chục người khỏe mạnh mới khiêng nổi. Vẫn chưa hết, mới đây, khi chuyển độc bình này đi triển lãm 50 năm giải phóng thủ đô, phải khó khăn lắm mới chuyển được qua các ngõ của làng cổ Bát Tràng vì nó chỉ cách bờ tường giữa hai khối nhà vài cm...

Nghệ nhân Lê Minh Ngọc và chiếc độc bình cao 5,4m.

Câu chuyện về 2 chiếc độc bình khổng lồ đã khiến không ít người tò mò tìm đến làng cổ Bát Tràng. Trong số đó, có người đã trả giá 400 triệu đồng/2 chiếc, nhưng anh dứt khoát không bán. Ngọc giải thích: "Tiền lãi chẳng bõ công mình "nung nấu" ý định bao nhiêu năm trời, 7 tháng trời mất ăn mất ngủ tìm tòi những kỹ thuật chuyên biệt, nung 40 cái mới được 2 chiếc". Lần khác, tình cờ một thương gia Nhật Bản sang làm ăn tại Việt Nam ghé thăm làng Bát Tràng. Vừa nhìn thấy, ông ta đã mê mẩn ngay. Không chỉ vì kích thước khổng lồ của độc bình mà còn bởi những hoa văn "sơn thủy hữu tình" sắc nét và tinh xảo đậm phong cách Á Đông. Không chần chừ, vị thương gia người Nhật đã quyết định mua với giá 20.000 USD/chiếc, kèm theo điều kiện là sẽ được sở hữu bản quyền 2 chiếc độc bình, chủ nhân sẽ không được sản xuất chiếc độc bình nào khác giống như vậy. Ai cũng mừng. Đây là một món hời quá lớn, nếu bán, Ngọc và gia đình sẽ có nhiều vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhưng thật bất ngờ, Ngọc lại từ chối. Anh khăng khăng: "Chẳng nhẽ vì mấy trăm triệu đồng mà tôi không được làm cái mà mình thích. Sẽ không được giới thiệu nghệ thuật làm gốm của làng nghề Bát Tràng nói riêng và của Việt Nam nói chung đến với thế giới". Rồi anh khẳng khái nói với vị khách người Nhật: "Tôi làm đâu phải vì tiền, cái tôi đam mê nhất là sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật của riêng mình"...

Mục tiêu sắp tới: 5,4m

Anh bảo: "Mình đã tìm ra nguyên nhân của những lần thất bại trước, đó là nguyên liệu không đảm bảo và nhiệt độ nung chưa hợp lý". Ngọc cho tôi xem 3 cái bình có kích thước tương đương 5,4m đang nằm trong lò. Tuy nhiên, chúng đều bị nứt nẻ, sụn lưng, nói như anh đó là đồ bỏ đi. Hỏi, anh tính sơ sơ một chiếc 500 triệu, vị chi là 2 tỉ bạc coi như đã vứt xuống sông, xuống bể. Thêm 1 năm lầm lũi nghiên cứu, lầm lũi làm đã biến thành công... cốc. Cái giá cho những cuộc chinh phục đỉnh cao độc bình quá đắt.

Vừa qua, anh đã tìm ra được loại đất sét cao lanh ưng ý ở mãi Quảng Ninh. Lần này, anh sẽ chinh phục lại đỉnh 5,4m. Hỏi vì sao ? - Ngọc trả lời: "Tôi là người có lòng tham không đáy trong sáng tạo nghệ thuật. Mê cái gì, phải làm cho kỳ được, thế thôi!". Và cuộc "phiêu lưu" với những chiếc độc bình khổng lồ của nghệ nhân trẻ vẫn chưa đến hồi kết...
Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết